GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 332
Số lượt truy cập: 18161477
QUẢNG CÁO

PHÒNG GD&ĐT LỆ THỦY
TRƯỜNG THCS XUÂN THỦY

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:        /KH-THCSXT

           Xuân Thủy, ngày … tháng 12 năm 2020


KẾ HOẠCH
Chiến lược phát triển trường THCS Xuân Thủy giai đoạn 2020-2025,
tầm nhìn đến năm 2030

          Trường THCS Xuân Thủy được thành lập năm 1964. Thời gian qua nhà trường đang từng bước phát triển bền vững và ngày càng trưởng thành. Từ khi thành lập đến nay, trường đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chính trị, kinh tế xã hội của địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục THCS trên địa bàn xã Xuân Thủy.

          Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng. Công cuộc đổi mới nền giáo dục Việt Nam, đang đi trên chặng đường đầu tiên đầy thử thách khó khăn nhưng cũng có rất nhiều thuận lợi. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nguồn lực con người đóng vai trò quyết định sự thành công của công cuộc phát triển đất nước. Giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục THCS Xuân Thủy nói riêng cần có sự phát triển để giáo dục thế hệ trẻ thành những con người có đủ các phẩm chất đạo đức, năng lực sáng tạo để đáp ứng được công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, làm chủ và xây dựng quê hương Xuân Thủy giàu mạnh.

          Năm 2015, trường đã xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2025. Sau 5 năm thực hiện kế hoạch, trường THCS Xuân Thủy đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất của nhà trường được tu bổ, xây dựng khang trang. Đội ngũ CB, GV, NV đầy đủ, và có năng lực chuyên môn vững vàng. Chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường duy trì ổn định. Trường kiểm định chất lượng đạt mức độ 2 năm học, được công nhận trường đạt chuẩn QG cấp độ 1 sau 5 năm vào tháng 9/2020

          Để tiếp tục phát triển nhà trường trong tình hình mới, cần thiết phải xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược của trường THCS Xuân Thủy là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong việc hội nhập và phát triển.

Phần 1. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

          Căn cứ Luật số 43/2019/QH14, ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội ban hành Luật Giáo dục;

          Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020;

          Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa

XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88/2014/QH ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

          Căn cứ Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, ngày 15 tháng 9 năm 2020  của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;

          Căn cứ Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT;

          Căn cứ kết quả đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 và tình hình thực tế của đơn vị, trường THCS Xuân Thủy xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2030.

          Xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của Ban Giám hiệu cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược của trường THCS Xuân Thủy là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Cùng các trường THCS xây dựng ngành giáo dục huyện Lệ Thủy phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, hội nhập với các nước khu vực và thế giới.

Phần 2. BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG

            1. Bối cảnh bên ngoài

            1.1. Thời cơ

          * Về cơ chế, chính sách:

          Đảng và Nhà nước ta đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách về giáo dục rất đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn và xu hướng phát triển của giáo dục trong thời kì hiện nay bằng việc ban hành các Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88/2014/QH ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông…,.

          Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kì 2020-2025, Nghị quyết HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026 tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, hoàn thiện hóa các cơ chế chính sách nhằm phát triển giáo dục. Các chủ trương, cơ chế chính sách đó tạo điều kiện tốt cho các cơ sở giáo dục chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng phát triển nhà trường.

          Ở địa phương, trong những năm gần đây, nền chính trị của huyện Lệ Thủy nói chung, xã Xuân Thủy nói riêng tương đối ổn định; kinh tế địa phương có những bước phát triển mới. Vì vậy việc đầu tư cho công tác giáo dục của địa phương đối với nhà trường được quan tâm đầu tư hơn.

          * Về văn hóa:

          Xuân Thủy là một xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy, chạy dọc theo tả ngạn dòng Kiến Giang chạy dài từ phía Nam cầu Mỹ Trạch về đến hói Cùng. Trước đây xã gồm có bảy thôn: Xuân Bồ, Tiền Thiệp, Hoàng Giang, Phan Xá, Quảng Cư, Xuân Lai và Mai Hạ. Năm 1989, thôn Quảng Cư cắt nhập vào thị trấn Kiến Giang, xã còn lại sáu thôn.

          Từ xưa đến nay, nhân dân Xuân Thủy vốn giàu truyền thống anh hùng trong chiến đấu, cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, miền quê này còn rất tự hào với truyền thống hiếu học. Nhắc đến Xuân Thủy, người ta sẽ nhớ ngay đến những chiến công lừng danh sáng chói sử vàng trên mảnh đất này: chiến thắng Xuân Bồ với tấm gương hy sinh lẫm liệt của anh hùng Lâm Úy, chiến thắng Mỹ Lộc - Xuân Lai trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, cùng với nhân dân miền Bắc, nhân dân Xuân Thủy cũng bắt tay ngay vào xây dựng quê hương trên mọi mặt: Kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đặc biệt là Giáo dục.

          Trình độ dân trí của địa phương đáp ứng được yêu cầu PCGD. Hiện nay, 100% dân số của xã đạt trình độ phổ cập giáo dục cấp tiểu học, không có trường hợp nào mù chữ. Đây là nền tảng tốt cho việc phát triển giáo dục ở cấp THCS nói riêng, ở toàn xã nói chung.

            1.2. Thách thức

          * Về cơ chế, chính sách:

          Cơ chế chính sách cho giáo dục có nhiều đổi mới, các cơ sở giáo dục có quyền tự chủ ngày càng cao. Để thực hiện tốt quyền tự chủ đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực và phẩm chất mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác quản trị nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục.

          Kinh tế địa phương phát triển theo xu hướng thị trường hóa, nhiều gia đình bị cuốn theo vòng quay mạnh mẽ, khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường nên không có điều kiện quan tâm đến giáo dục con cái. Vì vậy việc phối hợp với gia đình học sinh trong phát triển giáo dục của nhà trường gặp nhiều khó khăn.

          * Về văn hóa: Trình độ dân trí của xã Xuân Thủy tuy không thấp nhưng lại chưa đồng đều. Tỷ lệ dân trí cao còn ít. Nhận thức của một số dân địa phương về giáo dục chưa được đầy đủ và đúng đắn. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch giáo dục đòi hỏi phải vừa hướng đến những mục tiêu chung để đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục, vừa phải phù hợp với mục đích, nhu cầu, điều kiện của người dân.

            2. Bối cảnh bên trong

            2.1. Điểm mạnh của nhà trường

          * Về đội ngũ CB, GV, NV:

          Nhà trường có đủ số lượng giáo viên theo quy định. 100% cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn. Phần lớn giáo viên có năng lực chuyên môn khá vững vàng, có trách nhiệm trong công tác giảng dạy. Tập thể CB, GV, NV của nhà trường đoàn kết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công tác chuyên môn.

          * Về quy mô trường lớp:

          Trường có quy mô nhỏ. Trong 5 năm liên tiếp (từ 2021 đến 2025) dự kiến sĩ số học sinh phát triển từ 200 đến 260 em, số lớp từ 8 đến 9 lớp. Bình quân số HS/lớp hằng năm dự kiến từ 27-40 em, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Đa số học sinh trong nhà trường ngoan ngoãn, thật thà, có ý thức học tập.

          * Về tài chính:

          Ngoài nguồn ngân sách do nhà nước cấp, nhà trường có nguồn hỗ trợ từ học phí của học sinh và kinh phí huy động từ các nguồn lực ngoài nhà trường. Các nguồn kinh phí trên đảm bảo cho việc chi trả lương cho CB, GV, NV trong trường, tu bổ CSVC, bổ sung trang thiết bị và chi phí tối thiểu cho các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

          * Về cơ sở vật chất:

          Nhà trường có đủ phòng học, phòng bộ môn và các phòng chức năng phục vụ học tập cho học sinh; đủ phòng làm việc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trang thiết bị phục vụ các hoạt động giáo dục đảm bảo ở mức cơ bản.

          Chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường ổn định, trong năm năm gần đây, chất lượng giáo dục của nhà trường luôn đứng ở tốp giữa các trường THCS trong huyện Lệ Thủy.

            2.2. Điểm yếu của nhà trường

          * Về đội ngũ:

          Cơ cấu giáo viên giữa các bộ môn chưa cân đối: một số giáo viên dạy đơn môn, một số giáo viên học chứng chỉ đồng bộ. Trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên không đồng đều. Còn 01 giáo viên có trình độ chuyên môn Cao đẳng. Còn một số ít giáo viên chưa nhiệt tình, tích cực tự học tự nghiên cứu nâng cao năng lực, chưa chủ động, linh hoạt trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Vì vậy việc phân công lao động, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn.

          * Về học sinh:

          Một số học sinh trong trường chưa ngoan, chưa hiếu học. Một số em gặp khó khăn trong học tập, điều kiện học tập còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đòi hỏi việc xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo vừa phát triển được năng lực của các học sinh đại trà và mũi nhọn, vừa giúp đỡ được các học sinh học yếu hoặc gặp khó khăn trong học tập.

          * Về tài chính và cơ sở vật chất:

          Nguồn ngân sách nhà nước cấp và kinh phí huy động từ các nguồn lực của nhà trường rất hạn hẹp. Cơ sở vật chất nhà trường chưa đầy đủ, đồng bộ. Nhà trường chưa có khu sân tập đạt chuẩn và thiếu phòng đa năng. Trang thiết bị dạy học cũ kĩ, hư hỏng nhiều.

          * Về hoạt động dạy học và chất lượng giáo dục:

          Công tác phát triển năng khiếu và hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong học tập chưa nổi bật. Những nền tảng đó khó tạo đà để nhà trường phát triển đột phá trong giai đoạn mới.

Phần 3. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC

            I. Sứ mệnh

          Tạo dựng môi trường học tập và rèn luyện thân thiện, nề nếp, kỷ cương, chất lượng, nhân văn; giúp cho mỗi học sinh đều có điều kiện tốt để phát triển năng lực cá nhân, hoàn thiện bản thân.

            II. Tầm nhìn

          Phấn đấu trở thành một trong những đơn vị giáo dục có chất lượng cao của huyện Lệ Thủy, hướng tới giáo dục nên những người công dân toàn cầu.

            III. Phương châm hành động                  

          Chất lượng giáo dục là uy tín và danh dự của nhà trường.

            IV. Hệ thống giá trị cơ bản cốt lõi.

          - Đoàn kết - Nhân ái

          - Tự trọng - Trung thực

          - Trách nhiệm - Hợp tác

          - Tính linh hoạt sáng tạo              

          - Khát vọng vươn tới

          - Giữ vững nâng cao chất lượng giáo dục  

          - Phát triển - Đổi mới và hội nhập.    

Phần 4. MỤC TIÊU

            I. Mục tiêu chung

          - Nâng cao chất lượng đội ngũ CB – GV – NV đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới.

          - Huy động nguồn lực để xây dựng hoàn thiện các điều kiện cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia mức độ II, đáp ứng tốt yêu cầu chương trình GDPT mới.

          - Xây dựng nhà trường theo mô hình giáo dục hiện đại, phù hợp với điều kiện của địa phương và xu thế phát triển của đất nước.

          - Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

            II. Mục tiêu cụ thể

            1. Mục tiêu ngắn hạn: Năm học 2020 – 2021

          1.1. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện:

          * Chất lượng giáo dục hạnh kiểm: 100% học sinh đạt hạnh kiểm Tốt, Khá. Không có học sinh vi phạm đạo đức, pháp luật hoặc mắc tệ nạn xã hội.

          * Chất lượng giáo dục:

- Hạnh kiểm: Tốt 80%; Khá 20%; TB, Yếu: Không.

- Học lực: Giỏi 25 % trở lên; Khá 35.0% trở lên; TB trở lên 99%.

- Số học sinh thi lại ở từng khối: Khối 6: 03 em; Khối 7: 03 em; Khối 8: 03 em;

- Tỷ lệ lên lớp: Học sinh lên lớp thẳng và lên lớp sau thi lại trên 100 %.

- Học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS 53/53, đạt 100%.

- Chất lượng qua đánh giá ngoài 4 môn lớp 9 của PGD: Toán (Vị thứ 3; TB trở lên 75%), Anh (Vị thứ 6; TB trở lên 40%), Văn (Vị thứ 10; TB trở lên 50%); Môn thứ 4 (Vị thứ 4; TB trở lên 65%). Cả 4 môn vị thứ 03.

- Bồi dưỡng học sinh giỏi:

+ HSG cấp tỉnh ít nhất 02 (Nhất, Nhì, Ba)

          + Tham gia kiểm tra HSG cấp huyện: 11 đội tuyển

+ Giải đồng đội: Có 11 giải, trong đó 02 Nhì, 04 Ba; 03 KK, không có môn xếp thứ sau 15. Tổng sắp HSG trước thứ 5.

          - Học sinh năng khiếu, TDTT:

+ Tham gia đầy đủ các nội dung cấp Huyện.

+ Đồng đội xếp thứ 4 giải Ba toàn đoàn, giải Ba đồng đội nam, đồng đội nữ

+ Cá nhân cấp huyện: 05 Nhất, 07 Nhì, 10 Ba, 05 vị trí thứ 4,5.

- Các hội thi:

          + Giáo viên dạy giỏi: Cấp huyện 02 GV, Cấp tỉnh 03 GV.

+ NCKH: Vị trí thứ 6, giải Nhì

          + Em hát dân ca: giải KK

          + Tham gia các cuộc thi do cấp trên phát động được nhà trường phổ biến, tuyên truyền, lên kế hoạch.

          + IOE, Giải Toán TV, Toán Tiếng Anh, Vật lý qua mạng: phấn đấu mỗi nội dung có 01 em/ khối, tham gia thi QG.

          1.2. Bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý và dạy học theo chương trình GDPT mới.

            2. Mục tiêu trung hạn: Đến năm 2025, phấn đấu đạt được các mục tiêu sau:

          2.1. Xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục: Nhà đa năng, Phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ.

          2.2. 100% CB, GV, NV có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn (theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT)

          - Duy trì vững chắc các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia.

          - Phấn đấu trường đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc.  

          2.3. Phấn đấu trường được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ III, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

            3. Mục tiêu dài hạn: Đến năm 2030, phấn đấu đạt được các mục tiêu sau:

          3.1. Chất lượng giáo dục được khẳng định trong tốp 5 trường có chất lượng cao của huyện Lệ Thủy.

          3.2. Quy mô nhà trường ổn định và phát triển.

          3.3. Duy trì bền vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2030 đề nghị tái công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ III, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. 

Phần 5. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

            I. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh

            1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục:

          - Phát huy tối đa trí tuệ cá nhân kết hợp với trí tuệ tập thể của tổ, nhóm chuyên môn trong trường, liên trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục.

          - Tổ chức xây dựng Kế hoạch giáo dục cho từng năm học phù hợp mục tiêu, chương trình GDPT ban hành kèm theo TT 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của địa phương và đơn vị.

          - Tổ chức thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo nội dung chương trình, kế hoạch giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị trong từng năm học.

          - Tiếp tục chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn đầu tư xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học tập. Tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu nghiêm túc, hiệu quả theo kế hoạch .

            2. Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh:

          - Tập trung đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy học nhằm từng bước thực hiện được mục tiêu giáo dục: rèn luyện phẩm chất, phát triển năng lực của học sinh. Chỉ đạo giáo viên kết hợp linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các hình thức và phương pháp dạy học. Tổ chức hoạt động dạy học thông qua các hoạt động thực tiễn của học sinh; gắn hoạt động học tập với thực tiễn cuộc sống ở địa phương. Đặc biệt quan tâm việc thực hiện nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương.

          - Chú trọng việc thành lập các câu lạc bộ khoa học, văn học, nghệ thuật, TDTT; tổ chức, hướng dẫn các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho học sinh được vui chơi, sáng tạo, từ đó phát triển năng lực, trau dồi phẩm chất, rèn luyện kĩ năng.

          - Tổ chức thực hiện đa dạng hóa hình thức, phương pháp đánh giá học sinh. Kết hợp đánh giá bằng điểm số với đánh giá bằng nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh; kết hợp đánh giá kết quả học tập và đánh giá hoạt động thực tiễn của học sinh. Đảm bảo đánh giá học sinh toàn diện, chính xác, khách quan, công bằng theo hướng ghi nhận, động viên thúc đẩy sự tự hoàn thiện của học sinh.

          - Từng bước nâng cao yêu cầu ứng dụng CNTT trong dạy học và kiểm tra đánh giá.

          - Mạnh dạn đầu tư cho các hoạt động giáo dục có nội dung mới, mang tính đột phá.

            II. Nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ CB, GV, NV:

            1. Nâng cao năng lực quản trị nhà trường

          - Xây dựng cơ cấu tổ chức nhà trường hoàn thiện, đầy đủ, đúng theo Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT. Đảm bảo các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường đồng bộ, vững mạnh, hoạt động hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định.

          - Xây dựng bộ quy chế làm việc, quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ khoa học, cụ thể, đúng quy định, phù hợp với đặc điểm thực tiễn của đơn vị, đảm bảo tính pháp lý cao.

          - Từng bước đầu tư nâng cấp thiết bị CNTT, triển khai sử dụng các phần mềm quản lí trường học. Đến năm 2025, thực hiện hoàn thành lộ trình số hóa trong quản lý trường học.

          - Phát huy tối đa vai trò, chức năng, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong việc giám sát hoạt động của Ban giám hiệu và các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường.

            2. Nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ

          - Tích cực tham mưu với các cấp có thẩm quyền bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng và cơ cấu.

          - Tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên có nhu cầu tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên môn. Quan tâm việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn và bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới.

          - Thường xuyên giáo dục tư tưởng chính trị, bồi dưỡng năng lực, rèn luyện phẩm chất, lối sống cho CB, GV, NV. Xây dựng đội ngũ mạnh về chất lượng, có phẩm chất chính trị, có năng lực chuyên môn khá giỏi, có trình độ tin học, ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực; tâm huyết, gắn bó với  nhà trường; đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

            III. Xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị dạy học

          1. Quản lí, sử dụng các nguồn tài chính hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. Hằng năm dành khoản kinh phí phù hợp cho việc mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.

          2. Tham mưu kịp thời với các cấp quản lí đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu và quy mô phát triển của nhà trường theo từng giai đoạn.

          3. Tích cực tuyên truyền, vận động các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm huy động được nhiều nguồn tài trợ phục vụ cho việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

          4. Tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, không để hư hỏng, mất mát, lãng phí tài sản nhà trường.

            IV. Thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục, huy động nguồn lực tài chính, xã hội hóa giáo dục. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục

            1. Thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục

          - Tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy chế, quy định của ngành, nhất là thực hiện Quy chế dân chủ trong đơn vị.

          - Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh theo đúng quy định của pháp luật.

            2. Huy động nguồn lực tài chính, xã hội hóa giáo dục

          - Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia vào việc các hoạt động khuyến học khuyến tài và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm phát triển hoạt động giáo dục nhà trường.

            3. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong hoạt động giáo dục

          - Xây dựng mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ với Ban Đại diện cha mẹ học sinh theo đúng Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh đã dược ban hành.

          - Xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ với các ban ngành đoàn thể, doanh

 nghiệp và nhân dân địa phương trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh.

          - Thường xuyên lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng của cộng đồng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tiễn của đơn vị.

          - Tăng cường các hoạt động giao lưu trong hoạt động giáo dục với các đơn vị bạn và địa phương.

Phần 6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

            1. Trách nhiệm của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng

          - Trình lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy xem xét, phê duyệt Kế hoạch chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030. Sau đó báo cáo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Ninh Khang về nội dung của Kế hoạch.

          - Phổ biến Kế hoạch chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030 tới toàn thể CB, GV, NV, HS trong nhà trường. Tuyên truyền nội dung Kế hoạch rộng rãi tới CMHS và các tầng lớp nhân dân ở địa phương.

          - Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra theo lộ trình trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ từng năm học.

            2. Trách nhiệm của tổ chuyên môn và các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường

          - Căn cứ Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; căn cứ Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ từng năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của tổ chức, đoàn thể và của tổ chuyên môn theo tuần, tháng, năm và từng đợt thi đua phù hợp chức năng nhiệm vụ quy định.

          - Tham mưu việc phân công lao động hợp lý dựa trên nguồn lực, khả năng và trách nhiệm của từng thành viên.

          - Hằng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của tổ chuyên môn hoặc tổ chức, đoàn thể nhằm rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trong các năm tiếp theo.

          - Trong quá trình thực hiện cần đóng góp ý kiến với lãnh đạo nhà trường để có giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả công việc.

            3. Trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhân viên

          - Thực hiện kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch chung của nhà trường.

          - Không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Phấn đấu

trở thành giáo viên, nhân viên giỏi là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học

sinh noi theo.

          - Phát huy tinh thần vượt khó vươn lên, luôn có khát vọng được đóng góp sức mình vào sự phát triển của nhà trường.

            4. Trách nhiệm của học sinh

          - Ra sức học tập, rèn luyện bản thân, vượt khó, vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.

          - Tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, rèn kỹ năng sống để có vốn sống cần thiết, có phẩm chất tốt, có kĩ năng tốt, trở thành người công dân toàn cầu.

            5. Trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh và các bậc CMHS:

          - Phối hợp với nhà trường, giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh các giá trị cơ bản trong hệ thống các giá trị trong chiến lược đã vạch ra.

          - Luôn có những ý kiến tham mưu, đóng góp về tinh thần và vật chất, giúp đỡ và ủng hộ nhà trường về mọi mặt. Cùng nhà trường hoàn thành các mục tiêu chủ yếu của chiến lược.

          Trên đây là Kế hoạch chiến lược phát triển trường THCS Xuân Thủy giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030. Kế hoạch chiến lược nhằm định hướng cho quá trình xây dựng và phát triển  nhà trường trong thời gian 5 năm tới, giúp cho nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Kế hoạch chiến lược nhằm thúc đẩy sự phấn đấu vươn lên của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong giảng dạy và học tập, xây dựng nhà trường ngày một vững mạnh để xứng đáng với niềm tin của nhân dân và xã hội, đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu đổi mới giáo dục của đất nước./.

 

Nơi nhận;
- Phòng GD& ĐT Lệ Thủy (phê duyệt);
-
Đảng ủy, HĐND, UBND xã Xuân Thủy (bc);
- Lãnh đạo nhà trường (tổ chức t/h);
- Đoàn thể
Xuân Thủy (phối hợp);
- Lưu VT.

HIỆU TRƯỞNG
 

           
 Hoàng Thái Anh

 


Lên đầu trang
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Quốc Liệu
Lê Quốc Liệu
Phạm Thị Vương
Phạm Thị Vương
Võ Thị Dương
Võ Thị Dương
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS XUÂN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882852 * Email: thcsxuanthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com